Khách hàng đã sẵn sàng? Làm sao bạn biết?

Bạn đã sẵn sàng chưa?

Bạn đang giải thích điều gì đó nhưng người nghe không chú ý. Họ không đón nhận quan điểm, ý tưởng, giải pháp, sản phẩm  hay bất kỳ điều gì bạn đang trao đổi với họ. Điều này có xảy ra với bạn không? 

Trên thực tế, khi bạn đang đọc bài viết này, bạn đang quyết định xem nên đọc tiếp hay sẽ chuyển sang một bài viết khác. Đây chính là bộ não của bạn thực hiện một phép so sánh thần kinh vô thức dựa trên nhu cầu của bạn. Nếu bài này phù hợp với nhu cầu của bạn, bộ não vô thức sẽ đánh thức bộ não có ý thức của bạn, như thể muốn nói “Bạn cần chú ý điều này, nó quan trọng đấy!” 

Nếu điều đó không phù hợp với bất kỳ nhu cầu nào của bạn, bộ não sẽ thông báo “Nào! Hãy tìm thứ khác!” Có thể vì nó đã đưa ra những giả định về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo, bộ não quá bận rộn với nhiều điều ưu tiên khác hoặc chỉ đơn giản là không quan tâm.

Gần đây tôi đã thực hiện một số nghiên cứu xung quanh các trường hợp cụ thể. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Tôi có một cuộc họp và khi kết thúc, tôi cảm thấy “Thật lãng phí thời gian!”, “Tại sao người này lại muốn gặp tôi?”. Rõ ràng những gì tôi nói đều không có giá trị đối với họ. Họ nghĩ rằng họ biết tất cả nên không cần thiết lắng nghe hay là vì họ không thích nghe những gì tôi truyền đạt. Nếu đây là một đài phát thanh thì tôi đang truyền đạt trên một tần số khác không cùng tần số với họ. Tại sao lại như vậy? Tôi chắc chắn rằng bạn có một số ý tưởng và đề xuất. Chỉ cần bám vào những điều này trong một phút.
  • Tôi được một chủ doanh nghiệp yêu cầu cho một số lời khuyên về những gì họ nên làm. Nhiều tháng sau, họ liên lạc với tôi, và tôi hỏi liệu họ có làm như vậy không bởi vì họ dường như vẫn bị mắc kẹt. Câu trả lời khiến tôi ngạc nhiên “Anh đang đề cập đến nội dung nào? Tôi sẽ phải xem lại ghi chú của mình.” Họ đã yêu cầu tôi đưa ra lời khuyên và rồi sau đó họ không sử dụng bất cứ lời khuyên nào. Tại sao? Đó là lời khuyên tệ hay họ chưa sẵn sàng cho điều đó? Một lần nữa, chỉ cần giữ khao khát vô thức để nói cho tôi biết suy nghĩ của bạn. Hãy đọc tiếp.
  • Tôi đã đào tạo nhiều huấn luyện viên và nhiều chủ doanh nghiệp trong nhiều năm. Khi nói đến bán hàng, họ thường nói “Không thể tiếp cận khách hàng tiềm năng đó” hoặc “Họ không nghe bất cứ điều gì tôi đang nói”, “Chẳng khác nào nói chuyện với một bức tường”… Họ nhanh chóng loại bỏ những nhân vật triển vọng khỏi danh sách cơ hội. Đầu tiên, tôi hỏi huấn luyện viên hoặc khách hàng “Có phải bạn không biết làm thế nào để tiếp cận họ nên đổ lỗi cho họ thay vì tìm cách cải thiện bản thân?”. Bạn có thể tưởng tượng phản hồi mà tôinhận được là gì không? “Anh không hiểu”, “Anh không có mặt ở đó”. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về nó đều vấp phải sự phủ nhận và phản đối. 

Tôi chắc chắn rằng bạn có kinh nghiệm của riêng mình. Hãy chia sẻ chúng ở phần bình luận.

Tôi gọi những gì đã xảy ra là “Khi bạn chưa sẵn sàng, bạn sẽ không lắng nghe.”

Chuyện gì đã xảy ra?

Khi nhu cầu của một người chưa phát triển đến mức phù hợp, các thụ quan của não sẽ không mở để tiếp nhận thông tin. Như một cánh cửa đóng chặt, nó sẽ không cho phép điều gì xâm nhập. Chúng ta thường gắn nhãn đó là hành vi “Không lắng nghe”. 

Tất cả chúng ta đang không ngừng phát triển. Điều đó có nghĩa là chúng ta không ngừng tiếp nhận thông tin mới để tự cải thiện. Khi chúng ta ngừng phát triển, chúng ta sẽ mất động lực và đánh mất mục tiêu, không có mục tiêu thì chúng ta cũng đang tự đào mồ chôn mình. 

Bộ não chỉ có thể tò mò về những gì nó cảm thấy hữu ích hoặc có giá trị. Tùy thuộc vào mức độ của sự tò mò sẽ dẫn đến hành động hoặc chỉ được gộp dưới dạng thông tin tốt – có thể một ngày nào đó tôi sẽ sử dụng chúng. 

Mức độ quan tâm của bạn sẽ thể hiện qua việc cam kết thực hành những điều sau đây. 

Bộ não là một siêu máy tính đáng kinh ngạc, hiện nay vẫn chưa có bất kỳ tiến bộ công nghệ hay trí tuệ nhân tạo nào có thể sánh kịp. Ở bất kỳ trường hợp nào, bộ não đang nhận 100 nghìn bit thông tin, nhưng nó chỉ có thể xử lý 7+/-2 bit ở bất kỳ trường hợp nào. Vì vậy, chúng ta liên tục lọc ra rất nhiều thông tin. Thông tin mà bộ não VÔ THỨC cho là không liên quan. (Ta viết hoa vô thức, bởi vì chúng ta không biết điều này đang xảy ra).

Khi bạn đang nghe ai đó nói và bộ não vô thức cho rằng thông tin không liên quan, nó sẽ tiếp tục thực hiện các quá trình xử lý thiết yếu khác. Nó phân bổ lại trí tuệ của não bộ thành những thông tin phù hợp hơn, có giá trị hoặc hữu ích hơn. Kết quả là, khi quan sát người khác không lắng nghe, chúng ta sử dụng những cụm từ như “Nói chuyện với bức tường” hoặc “Họ hoàn toàn phủ nhận”.

Thực tế theo khoa học, họ chưa sẵn sàng tiếp nhận thông tin đó, hoặc họ xem là “Đã biết”. Và vì họ đã biết nó, họ ngừng lắng nghe, tỏ ra mất tập trung, hỏi những câu hỏi không liên quan…

Điều này có ý nghĩa gì với bạn?

  • Trong bán hàng, chúng tôi thường đề nghị giữ liên lạc ngay cả khi khách hàng nói “Không, cảm ơn”. Câu đó chỉ có nghĩa là “Không phải lúc này”. Không giữ liên lạc nhiều, nhưng vừa đủ để khi họ sẵn sàng, họ sẽ nhớ đến bạn đầu tiên.
  • Khi bạn đang giảng dạy, huấn luyện hoặc cố vấn, hãy nhớ rằng khách hàng không được giáo dục về chủ đề này như bạn. Bạn đã trải qua một hành trình mà có thể phải mất một thập kỷ trong khi họ chỉ mới bắt đầu. Thay vì tỏ thái độ hoặc hành vi không hài lòng, bạn hãy quay trở lại nơi mình đã từng bắt đầu.

Đây là những gì sẽ xảy ra khi mọi người đã sẵn sàng. Tôi thường nghe họ nói “Ôi trời! Tại sao không có ai nói với tôi về điều này?” Đó là một dấu hiệu hoàn hảo cho thấy một người đã sẵn sàng và khao khát những gì bạn đưa ra. 

Khi họ chưa sẵn sàng, họ không thể thấy được cách áp dụng. Bộ não đã không khớp thông tin với nhu cầu. Họ vẫn đang ở sai kênh, khác tần số. 

Gần đây, tôi đã tham gia một cuộc thảo luận về cảm xúc và logic cùng với một số huấn luyện viên bậc thầy. Trong nhiều năm, chúng tôi đã được chia sẻ rằng quyết định của chúng ta bị ảnh hưởng bởi 80% cảm xúc và 20% logic. Khi tôi thử nói về điều này, nhiều người ngay lập tức phản bác lại. Nhưng số khác thì sẵn sàng tiếp tục khám phá. Họ muốn biết. Họ muốn chứng minh hoặc bác bỏ. Họ không bị thuyết phục, nhưng họ cũng không thiên vị. Họ cởi mở với ý tưởng rằng có thể điều này là sai hoặc đã lạc hậu. Những người chưa sẵn sàng đã không tham gia hội thảo của chúng tôi. Những người không đồng ý đã tham gia buổi hội thảo đầu tiên, sau đó bỏ cuộc và không xuất hiện nữa.

Cuối cùng, dữ liệu thực nghiệm được trình bày thông qua bản đồ thần kinh AccuMatch đã chứng minh những gì chúng tôi nghi ngờ. Chúng tôi sử dụng cả cảm xúc và logic ngang nhau. Thường thì yếu tố kích hoạt đầu tiên là cảm xúc, nhưng quyết định cuối cùng lại dựa trên ưu và nhược điểm của quá trình xử lý, đó là logic. 

Nếu bạn chưa sẵn sàng, bạn sẽ không thể nghe những gì chúng tôi muốn chia sẻ với bạn. Khi một người đã sẵn sàng, họ sẽ nghe bạn.

Làm cách nào để bạn có thể khiến ai đó lắng nghe ngay cả khi họ chưa sẵn sàng?

Các bước bạn có thể áp dụng để đảm bảo thông tin của bạn được gửi đến đúng tần số mà họ đang nghe:

  1. Thiết lập mức độ quan tâm sớm. Hỏi những câu như:
  • Bạn quan tâm đến… như thế nào?
  • Điều gì làm cho điều đó thú vị đối với bạn?
  • Điều này sẽ mang lại lợi ích cho bạn như thế nào?
  1. Tìm hiểu sâu hơn nhu cầu để thiết lập lại mức độ quan tâm. Hãy kiểm tra đó chỉ là mối quan tâm bình thường hay là một cam kết thực sự.
  2. Kiểm tra sự sẵn sàng của họ trên đường đi. Lưu ý bạn có thể phải lùi lại thời điểm bắt đầu, nếu không, bạn sẽ mất họ.
  3. Đừng tiếp tục nếu bạn không có sự chú ý, quan tâm và cam kết của họ. Bạn sẽ chỉ làm phiền chính mình và cũng àm phiền họ. Thay vào đó, chỉ cần tận hưởng cuộc trò chuyện.

Hãy tận hưởng! Hãy biến mọi khoảnh khắc trở thành khoảnh khắc học tập!

Coach Tina Nguyễn 

Dịch từ bản gốc Are they ready for you? How do you know?

của Nagui Bihelek – Founder tổ chức AccuMatch Behavior Intelligence, Canada

(Visited 6 times, 1 visits today)